Truyền thông – Báo chí là một lĩnh vực phản ánh rõ nét, chân thực đời sống và từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Hôm nay, eJOY sẽ đưa bạn khám phá thế giới Truyền thông – Báo chí qua phim ảnh với 14 bộ phim chọn lọc nổi bật và học những kiến thức, từ vựng tiếng Anh thú vị. Bài viết đặc biệt phù hợp với những ai đang theo học hay có hứng thú với lĩnh vực Truyền thông – Báo chí và cả những ai yêu thích phương pháp học tiếng Anh qua phim.  


Đọc thêm:


Lợi ích của việc học tiếng Anh qua phim

Học tiếng Anh qua phim có gì “hay ho” hơn những cách học bình thường nhỉ? Câu trả lời cho bạn đây: học tiếng Anh qua phim là cách học “bổ từ trong ra ngoài”. 

Mở rộng vốn từ vựng

Nếu bạn mong muốn trau dồi một vốn từ vựng phong phú và linh hoạt, hãy học tiếng Anh qua phim. Với mỗi bộ phim, mỗi câu thoại, bạn có thể học được vô số từ vựng hữu ích. Đặc biệt, các bộ phim thường được xây dựng theo một chủ đề nhất định, do đó các từ vựng học được theo cách này thường sẽ có tính hệ thống và liên kết chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, việc học từ vựng một cách “trực quan” thông qua những câu thoại trong các ngữ cảnh cụ thể giúp ta hình dung rõ nét hơn không chỉ ý nghĩa mà còn cách dùng, hoàn cảnh dùng của các từ mới, từ đó áp dụng hiệu quả và “làm chủ” từ vựng của mình. 

Cải thiện kỹ năng nghe – nói 

Thời gian trung bình từ 1 tiếng rưỡi tới 2 tiếng của một bộ phim sẽ giúp ta luyện kĩ năng nghe – nói thực sự hiệu quả nếu được áp dụng đúng cách. Quá trình xem phim không những giúp ta làm quen với việc nghe tiếng Anh với tốc độ giao tiếp chuẩn của người nước ngoài mà còn tạo điều kiện cho ta tiếp xúc với tiếng Anh ở các ngữ điệu, giọng điệu khác nhau, tiếng Anh – Anh, Anh – Mỹ hay thậm chí Anh – Úc,… Việc lắng nghe cách các nhân vật trong phim kết hợp từ ngữ, sắp xếp lời nói, ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu,… sẽ là bài học bổ ích giúp ta nói tiếng Anh tốt hơn, tự nhiên hơn và “giống người bản xứ” hơn.   

Phát triển tư duy bằng tiếng Anh

Làm thế nào để bỏ được thói quen tư duy bằng tiếng Việt rồi sau đó mới dịch sang tiếng Anh? Một trong những cách bạn có thể thử chính là trải nghiệm thế giới phim ảnh. Sự hòa mình vào không khí phim, dòng suy nghĩ, hội thoại của các nhân vật sẽ giúp ta làm quen dần với lối tư duy logic của người phương Tây, tập dần phản xạ suy nghĩ bằng tiếng Anh trước một tình huống, một vấn đề mới xuất hiện.  

Tạo dựng sự hứng thú với tiếng Anh 

Để học tốt bất cứ bộ môn nào, không chỉ riêng tiếng Anh, chúng ta cần loại bỏ hết những áp lực, sợ hãi và lo âu, thay vào đó cần một sự hứng thú và đam mê nhất định. Phương pháp học qua phim sẽ giúp tiếng Anh không còn đáng sợ, trái lại, ta sẽ khám phá được những nét thú vị của ngôn ngữ này cũng như văn hóa, phong cách sống phương Tây. Từ đó, động lực học tiếng Anh được nạp đầy và học tiếng Anh sẽ đơn giản là làm điều mình thích! 

Các bước học tiếng Anh qua phim hiệu quả

Bước 1 – Xem hết bộ phim với phụ đề song ngữ

Sau khi lựa chọn được bộ phim phù hợp, bạn nên xem phim với phụ đề song ngữ. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu nội dung phim cũng như ý nghĩa từ vựng. Sau khi đã xem xong và ghi lại các từ mới đáng chú ý, bạn có thể chuyển sang phụ đề tiếng Anh để luyện khả năng nghe, phản xạ với ngôn ngữ, ghi nhớ từ vựng hoặc luyện nói.   

Bước 2 – Lựa chọn đoạn phim yêu thích và luyện tập 

Sau khi đã xem trọn vẹn bộ phim với sự hỗ trợ của phụ đề, bạn hãy lựa chọn một vài đoạn phim ngắn (dưới 3 phút) mà mình tâm đắc hoặc muốn tìm hiểu thêm để luyện tập. Với các đoạn phim nhỏ này, bạn có thể luyện tập một cách cụ thể và kỹ càng hơn với các dạng bài tập sau:

    • Xem lại nhiều lần đoạn phim với phụ đề tiếng Anh
    • Tra và lưu lại các cụm từ/mẫu câu hay
    • Luyện nghe, chép chính tả
    • Luyện nói, nhại lại lời thoại của nhân vật

Bước 3 – Xem lại phim và ôn tập từ vựng 

Ở bước này, chúng mình hãy thử xem lại cả bộ phim bằng phụ đề tiếng Anh để kiểm tra xem bản thân đã nắm được bao nhiêu từ vựng và nghe được bao nhiêu phần của bộ phim. Sau đó hãy vào eJOY Game Center để củng cố lại các từ vựng học được một lần nữa qua các trò chơi thú vị.

Để hiểu thêm về cách học tiếng Anh qua phim một cách chi tiết nhất, bạn có thể đọc bài viết Học tiếng Anh qua phim – Cẩm nang từ A-Z của eJOY tại đây nhé! Bài viết hướng dẫn cụ thể cách học cho các trình độ khác nhau (Beginner, Intermediate,…), trên các thiết bị khác nhau (điện thoại, laptop,…).

Tải ngay eJOY eXtension!

Danh sách 14 bộ phim tiếng Anh nổi bật với chủ đề Báo chí – Truyền thông

Dưới đây là 14 bộ phim đề tài Truyền thông – Báo chí thuộc nhiều thể loại từ phim truyền hình, phim điện ảnh tới phim tài liệu do eJOY cẩn thận lựa chọn để gửi tới các bạn. Tất cả các bộ phim trong danh sách này đều có thể được tìm thấy tại trang web Phimlearning.com và Netflix. Đặc biệt, khi học tiếng Anh qua phim trên Netflix, bạn có thể dễ dàng thực hiện một số thao tác như lặp lại một câu thoại, tua chậm tốc độ nói, … với sự hỗ trợ của eJOY eXtension. Đọc thêm về cách dùng eJOY eXtension trên Netflix tại đây nhé.

1. All The President’s Men (1976)

Đầu những năm 1970, vụ bê bối Watergate đã làm chính quyền Mỹ chao đảo. Hai nhà báo điều tra, Carl Bernstein và Bob Woodward của tòa soạn Washington Post đã phát hiện ra một âm mưu nhằm che đậy sự lạm dụng quyền lực của các vị trí cấp cao trong chính phủ mà đứng đầu là tổng thống. Cùng nhau, họ làm sáng tỏ vụ bê bối Watergate, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Lời thoại trong phim có tốc độ vừa phải, tuy nhiên cách nói của các diễn viên khiến việc nghe hiểu nội dung có đôi phần thử thách. Phim có một lượng từ vựng đa dạng về báo chí cũng như bê bối chính trị, ví dụ như: scratch the surface, probe, leak information, conspiracy, slush fund money,…

2. Broadcast News (1987)

Broadcast News kể về một mối tình tay ba rắc rối trong bối cảnh một tòa soạn báo. Jane, , một nhà sản xuất tin tức cuồng công việc rơi vào lưới tình một cách khó hiểu với một nam phát thanh viên nhạt nhẽo mà cô vốn căm ghét. Bạn thân của cô, một phóng viên tài năng nhưng kém phần ăn hình, lại yêu thầm cô từ lâu. Bộ ba vướng vào câu chuyện tình rắc rối trong lúc tòa soạn đang chuẩn bị có những thay đổi lớn. Cả Jane và tòa soạn đều phải đưa ra lựa chọn: tốt gỗ hay tốt nước sơn?  

3. The Paper (1994)

Henry Hackett là biên tập viên của tờ New York Sun, một tờ báo lá cải đang đối mặt với việc cắt giảm tài chính. Người vợ đang mang thai của anh, Martha, cầu xin anh hãy kiếm một công việc tử tế hơn để có thể dành thêm thời gian cho gia đình. Khi Hackett đang xem xét một lời đề nghị từ một tờ báo khác, thì anh ta có được một tin tức nóng hổi nhất trong sự nghiệp làm báo của mình từ trước tới giờ. Khi tin sốt dẻo này dẫn đến một vụ xung đột bạo lực với người sếp mới của mình, Alicia, Hackett phải đối mặt với giờ phút quyết định đầy khó khăn liên quan đến sự nghiệp và cuộc đời mình. 

4. The Truman Show (1998)

Mọi thứ trong cuộc sống của Truman Burbank là một phần của một chương trình truyền hình thực tế khổng lồ, nhưng Truman lại không hề hay biết điều đó. Nhà sản xuất điều hành Christof tạo ra “The Truman Show”, một chương trình phát sóng trực tiếp về mọi hành động, cử chỉ của Truman được ghi lại bởi các camera ẩn. Christof cố gắng kiểm soát tâm trí của Truman, thậm chí còn loại bỏ tình yêu đích thực của anh, Sylvia, khỏi chương trình và thay thế cô bằng Meryl. Tuy nhiên, khi Truman dần phát hiện ra sự thật, anh phải quyết định xem mình sẽ làm gì: tiếp tục “diễn” theo hay phản kháng lại?

The Truman Show có kịch bản hấp dẫn, thêm vào đó các đoạn hội thoại trong phim vô cùng đa dạng với các đoạn hội thoại thường ngày có tính ứng dụng cao. Tốc độ thoại không quá nhanh, phát âm rõ ràng khiến việc luyện nghe, nói qua phim trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. 

5. Shattered Glass (2003)

Nhà báo trẻ nổi tiếng Stephen Glass luôn gồng mình thể hiện bản thân là một người giàu năng lực trước mặt tổng biên tập đáng kính Michael Kelly, nhưng sau lưng lại thừa nhận sự bất an sâu sắc đối với nhà văn đồng nghiệp Caitlin Avey. Khi Glass bắt đầu chuyển sang viết những tin tức giật gân, nóng hổi, mức độ nổi tiếng của anh tăng với tốc độ chóng mặt. Nhưng không lâu sau, nhà báo đối thủ Charles Lane trở nên nghi ngờ về độ xác thực của các tin tức này và phát hiện ra rằng Glass đã bịa đặt nhiều nguồn tin và tạo tin giả để đổi lấy sự nổi tiếng và danh vọng.

6. How To Lose A Guy In 10 Days (2003)

Một chuyên gia tư vấn phụ trách chuyên mục tâm sự trên tạp chí, Andie Anderson, đang cố gắng vượt qua ranh giới của bản thân và viết một bài báo hấp dẫn hơn. Ý tưởng mà Andie nghĩ ra khá táo bạo – về cách để khiến một người đàn ông rời bỏ mình trong 10 ngày.  Tổng biên tập của cô, Lana, thích nó, và giao cho Andie thử nghiệm ý tưởng này trong đời thực. Giám đốc điều hành Ben Berry là người rất tự tin vào sự quyến rũ của mình đến nỗi nghĩ rằng anh ta có thể khiến bất kỳ người phụ nữ nào phải lòng anh ta trong 10 ngày. Khi Andie và Ben gặp nhau, mọi kế hoạch của họ đều phản tác dụng.

Bộ phim hài lãng mạn nhẹ nhàng này sẽ khiến việc học tiếng Anh của bạn thêm phần thú vị. Phim phù hợp cho những người học tiếng Anh ở trình độ Pre-Intermediate trở lên. Những đoạn hội thoại với tốc độ vừa phải, phát âm rõ ràng, chuẩn xác và các từ vựng chuyên ngành báo chí – truyền thông như: column, article, newsroom, …

7. Anchorman: The Legend of Ron Burgundy (2004)

Phát thanh viên nổi tiếng Ron Burgundy chào đón phóng viên mới nổi Veronica Corningstone vào thế giới truyền thông vốn được thống trị bởi nam giới vào những năm 1970. Là một phóng viên tài năng, Veronica dần chứng minh bản thân và bắt đầu hất cẳng Burgundy khỏi các khung giờ lên sóng. Ron trở nên ghen tị, căm thù Veronica, và cuối cùng đã có một pha lỡ miệng thô tục trên truyền hình trực tiếp. Sự nghiệp của Ron có nguy cơ bị hủy hoại, tuy nhiên, khi một câu chuyện kỳ quặc xảy ra tại Sở thú San Diego, Ron có cơ hội chuộc lại lỗi lầm.

8. State of Play (2009)

Nghị sĩ triển vọng Stephen Collins được nhiều nhà dự đoán cho rằng sẽ trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí tổng thống. Tuy nhiên, con đường tới ghế Tổng thống của Collins trở nên khó khăn hơn nhiều khi trợ lý của ông bị sát hại, và một vài thông tin không có lợi cho ông bị hé lộ. Cal McAffrey, người một thời là bạn thân của Collins, hiện đang là nhà báo nổi tiếng nhất tại thủ đô, lại là người được giao nhiệm vụ điều tra vụ án và tìm kiếm tên sát nhân. 

9. The Newsroom (2012 – 2014)

Series phim truyền hình The Newsroom có nội dung chính kể về một kênh truyền hình chuyên về thông tin thời sự. Bộ phim mang lại cho người xem những cái nhìn chân thực hơn về những thứ diễn ra đằng sau màn hình TV – những áp lực, những tranh cãi, đấu đá và mâu thuẫn của các nhân viên với sếp, những pha “đánh lén” nhằm hạ thấp đối thủ để mình có được một vị trí cao hơn trong thế giới truyền hình và báo chí.

10. Kill the Messenger (2014)

Nhà báo Gary Webb tình cờ khám phá ra một mẩu tin dẫn đến nguồn gốc của làn sóng sử dụng cocaine ở Mỹ và còn cáo buộc rằng CIA biết rõ về các đại lý buôn lậu cocaine và sử dụng lợi nhuận để vũ trang cho phiến quân Nicaragua. Bất chấp những cảnh báo rằng cuộc điều tra của mình sẽ bị buộc dừng lại, Webb vẫn tiếp tục đào sâu và phát hiện ra một âm mưu đáng sợ.

11. Nightcrawler (2014)

Louis Bloom là một chàng trai trẻ nỗ lực đến điên cuồng để đạt tới thành công và danh vọng. Quyết định rằng mình thích hợp với ngành báo chí truyền thông, Bloom tham gia hành nghề như một phóng viên tự do chuyên về mảng tội phạm tại thành phố Los Angeles. Tuy nhiên, không phải người phóng viên nào cũng giữ được mình trong sạch khi dấn thân vào con đường đầy hiểm nguy và cám dỗ này. 

Bộ phim gây ấn tượng mạnh với nhịp phim nhanh, tình tiết hấp dẫn và hàng loạt các từ ngữ chuyên dùng trong lĩnh vực truyền thông – báo chí. Một số từ vựng bạn có thể ghi lại trong sổ từ như: video footage, stringer, coverage,…

12. Spotlight (2015)

Trong The Spotlight, Michael Keaton và Mark Ruffalo vào vai hai nhà báo làm việc tại tờ Boston Globe – những người đã đoạt giải Pulitzer năm 2003 cho loạt bài điều tra về các linh mục phạm tội ấu dâm hơn 80 bé trai tại một nhà thờ Công giáo ở Boston, Mỹ.

13. The Post (2017)

The Post là bộ phim làm dựa trên câu chuyện có thật về cuộc chiến truyền thông giữa tòa soạn báo Washington Post với phía chính quyền Mỹ hòng xuất bản công khai Hồ sơ Lầu Năm góc, vốn chứa đựng nhiều bí mật quân sự thời Chiến tranh Việt Nam.

The Post đưa người xem đi qua những sự kiện và diễn biến có thật, được khắc họa vô cùng sống động. Với The Post, người học tiếng Anh có thể áp dụng phim trong quá trình luyện nghe nói vì phim có tốc độ vừa phải, từ vựng đa dạng về lĩnh vực báo chí. Bên cạnh đó, phim cũng sử dụng nhiều cụm từ, cách diễn đạt rất hay và phổ biến trong tiếng Anh như: hold someone accountable for something, risk someone’s fortune, be at stake,…

14. Trial by Media (2020)

Trial By Media là một series phóng sự tài liệu đi sâu vào tìm hiểu những vụ án nổi tiếng trong 40 năm vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những vòng tròn truyền thông xung quanh chúng. Series cho chúng ta thấy rằng cách một vụ án được nhìn nhận có thể bị tác động bởi truyền thông, và truyền thông thậm chí còn có thể là nguồn cơn sâu xa đằng sau những vụ án thương tâm này.

14 bộ phim tuyệt vời trong danh sách trên hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn những giờ học tiếng Anh đầy hiệu quả nhưng cũng không kém phần thú vị và giải trí. Mong rằng qua những bộ phim này, bạn đã có thêm nhiều cơ hội luyện tập tiếng Anh cũng như trau dồi thêm kho từ vựng và cách diễn đạt của mình, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến lĩnh vực Truyền hình – Báo chí. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của eJOY và tải về eJOY eXtension để việc học tiếng Anh qua phim thêm phần tiện lợi nhé! 

Tải ngay eJOY eXtension!