Người khiếm thị học tiếng Anh
Người khiếm thị học tiếng Anh

Mình là Việt Hoàng, tân sinh viên đại học Fullbright. Mình bị khiếm thị từ nhỏ. Sinh ra ở vùng quê nghèo Nghệ An, mình luôn có ước mơ học thật giỏi để đi thật xa, vượt lên trên số phận của mình. Và trên con đường đó, giỏi tiếng Anh là điều kiện tiên quyết. Mình hy vọng câu chuyện này của mình giúp các bạn hiểu hơn về cách người khiếm thị học tiếng Anh. Biết đâu sẽ có những bạn khiếm thị khác cũng tìm ra được phương pháp học hiệu quả cho chính mình.

Giới thiệu bản thân

  • Trần Việt Hoàng
  • 18 tuổi
  • Tân sinh viên đại học FullBright
  • Cách học tiếng Anh trước đây: học ở trường, chỉ học ngữ pháp, từ vựng
  • Cách học tiếng Anh hiện tại: Học qua video trên eJOY, học với giáo viên tiếng Anh, học qua video, audio trên mạng. 
  • Các sản phẩm của eJOY được dùng: eJOY Go, eJOY App
  • Kỹ năng được cải thiện sau khi học trên eJOY: Nghe, nói, từ vựng

Suốt những năm học phổ thông, cũng như nhiều bạn khác, mình chủ yếu được học từ vựng và rất nhiều cấu trúc ngữ pháp như các thì, câu chủ động, câu bị động, mệnh đề quan hệ, câu gián tiếp và cả đảo ngữ nữa. Bản thân mình là người không hề ghét học tiếng Anh nên mình vẫn thường chăm chỉ làm bài, ôn các cấu trúc ngữ pháp được học ở trên lớp. Khi được hỏi lý thuyết ngữ pháp mình khá tự tin.

Nhưng điều khiến mình thấy khó khăn là kỹ năng nói, nghe, và vốn từ của mình. Mình không thể nói rõ ràng và gần như không thể hiểu được một đoạn video của người bản ngữ. Vốn từ vựng của mình thì cực kỳ ít ỏi.   

Sau khi học xong cấp 3, mình có may mắn nhận được học bổng toàn phần của trường Đại học Fullbright. Tuy nhiên, để có thể học 4 năm ở đây, mình bắt buộc phải đạt chỉ tiêu tiếng Anh, cả 4 kỹ năng. Môi trường học hoàn toàn bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Mình không thể để tuột mất cơ hội quá tốt đẹp giúp mình vượt lên số phận này được. Mình có một năm để chuẩn bị cho hành trình học đại học phía trước. Một năm để cố gắng. 

Mình biết đến eJOY như thế nào?

Nhờ có sự giới thiệu của mẹ Dung, mình được biết đến các anh chị sáng lập eJOY English. Các anh chị lúc đầu chia sẻ cho mình biết, mình hoàn toàn có thể học tiếng Anh được vì ở Việt Nam hay trên thế giới đã có những người khiếm thị học giỏi tiếng Anh. Cái mình cần là một phương pháp học, một lộ trình học hợp lý và nếu tuyệt thì có công cụ hỗ trợ tiện lợi.

Nhờ sự hỗ trợ của các anh chị, mình làm quen với cách học tiếng Anh trên điện thoại và laptop. Mình cần có phần mềm hỗ trợ đọc cho người khiếm thị để có thể tương tác với điện thoại mặc dù không nhìn thấy màn hình.

Những câu chuyện thành công của các anh chị khiếm thị đi trước, sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị ở eJOY là nguồn động viên vô cùng to lớn giúp mình kiên trì mỗi ngày.

Mình đã học tiếng Anh trên eJOY như thế nào?

Vì khả năng nghe tiếng Anh của mình đang ở vạch xuất phát nên các anh chị giao cho mình học hết khoá nghe dành cho người mới bắt đầu. Khoá này miễn phí nhé các bạn. Chỉ cần tải app eJOY, tìm chọn khoá học Young learner starter. Trong đó chia thành nhiều học phần nhỏ, mỗi học phần có 5-6 video. Mỗi video chỉ dài 3-4 phút, đủ khiến mình hào hứng học mà không bị chán. 

Mỗi video mình học như sau:

Bước 1 – Nghe một lượt video và tra từ mới. 

Thật hay là các video của eJOY đều có phụ đề và đều có thể bấm vào phụ đề để tra từ. Với các bạn bình thường, việc bấm tra phụ đề quá dễ dàng. Với người khiếm thị học tiếng Anh như mình, mình phải dùng phần mềm đọc từng từ trong phụ đề để đoán xem đó có đúng là từ mới mình cần tra không, nếu đúng thì bấm ngay vào chỗ phần mềm vừa đọc.

Khi tra từ, eJOY sẽ đọc to từ vựng lên, và mình dùng phần mềm đọc để nghe giải nghĩa. Khi biết nghĩa, mình sẽ tự viết ra giấy bằng các viết chữ nổi. Việc này giúp mình có thể tự ôn lại từ vựng sau đó.

Bước 2 – Nghe lại nhiều lần

Các bạn bình thường có thể chọn chơi game trên video để luyện các kỹ năng. Nhưng với mình như vậy khá mất thời gian nên mình chỉ luyện bằng cách nghe đi nghe lại rồi nhẩm theo thật nhiều. eJOY App có điểm rất tiện là chỉ cần chạm vào màn hình là dừng, sau đó chạm lại để nghe tiếp. Vì vậy mình có thể thao tác, nghe – tua – lặp rất dễ dàng.

Bước 3 – Ôn tập từ vựng

Mình không chơi được game ôn tập từ vựng để luyện lặp đi lặp lại ngắt ngãng trên eJOY App như các bạn. Cách để lặp lại hiệu quả và tiện nhất với mình là đọc lại danh sách các từ vựng đã chép ra bằng chữ nổi và tiếp tục nghe thật nhiều video. Khi đi xe bus mình cũng nghe, tối về mình cũng nghe. Mình nghe đến mức thuộc và dần dần khả năng nghe của mình tốt lên lúc nào không hay.

Tiếng Anh của mình đã cải thiện như thế nào sau khi học trên eJOY?

Sau gần 4 tháng học tiếng Anh trên eJOY, mình nhận thấy các kỹ năng giao tiếp và cả từ vựng của mình cải thiện rõ rệt.

Thứ nhất, mình nghe tốt hơn rõ ràng. Trước đây mình chỉ nghe được từng từ vựng mà không nghe được người khác nói chuyện với mình. Giờ đây, thậm chí mình có thể nghe và nhại lại cả những từ mới, chưa học bao giờ. Và mình có thể hỏi “Hey, what is a kindle?’ 

Mình nghĩ rằng những người khiếm thị học tiếng Anh gặp lợi thế lớn là ở khả năng nghe tốt, cảm âm tốt. Chính nhờ sự tiến bộ này mà mình tự tin nói chuẩn hơn trước rất nhiều. Mình bắt đầu mạnh dạn rủ mọi người cùng nói tiếng Anh mỗi ngày với mình. Mình không luyện được game Speak trên eJOY, mình rất tiếc, nên đành lấy sự cần cù bù đắp hoàn cảnh bất tiện. 

Thứ ba, nhờ học theo các video, mình nhận thấy rõ từ vựng học dễ dàng hơn hẳn. Vì mỗi video đều có ngữ cảnh đầy đủ và cách dùng từ trong ngữ cảnh đó. Việc của mình là bắt chước và nhại theo thật nhiều để nhớ.

Mình hy vọng sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ thân thiện với người khiếm thị hơn để người khiếm thị học tiếng Anh cũng hiệu quả và thú vị như các bạn khác. Và bạn biết không, đa số các sản phẩm công nghệ trên thế giới thân thiện với người khiếm thị là do người khiếm thị phát triển đó. Thật là đáng ngưỡng mộ. Bạn chưa tin hãy đọc bài dịch về người khiếm thị có thể lập trình. Mình rất mong được nghe câu chuyện truyền cảm hứng của bạn nhé.

Luyện Nghe, Nói Tiếng Anh với eJOY